Đăng bởi

Làm sao để trẻ không bị cận thị

Cứ mỗi giờ học, trẻ cần nghỉ 10-15 phút; xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần… tránh tật khúc xạ.

Theo bác sĩ Lê Việt Sơn, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tỷ lệ tật khúc xạ đang tăng cao, đặc biệt ở trẻ trong lứa tuổi đến trường. Có ba loại tật khúc xạ trẻ hay mắc phải là cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị phổ biến nhất chiếm tới 2/3 số trường hợp. 

Có hai nhóm nguyên nhân chính gây tật khúc xạ ở trẻ lứa tuổi học đường là bẩm sinh và mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình và giống người. Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình sinh hoạt, học tập, làm việc và các thói quen không hợp lý như tư thế ngồi sai, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, thói quen đọc sách, chơi điện tử, xem tivi, sử dụng vi tính không hợp lý…

lam-sao-de-tre-khong-bi-can-thi

Trẻ cần được khám mắt định kỳ 6 tháng một lần. Ảnh: Thế Anh. 

Thực tế rất nhiều học sinh do việc học tập quá căng thẳng, tập trung nhìn trong thời gian dài… có thể sẽ dẫn đến cận thị. Bên cạnh đó, ở thành phố do điều kiện nhà ở chật hẹp, trẻ xem tivi quá gần cũng làm cho thị lực suy giảm. Tình trạng sử dụng vi tính, chơi trò điện tử đòi hỏi sự tập trung cao độ làm cho mắt phải điều tiết nhiều giờ liền có thể dẫn đến mỏi mắt, cận thị do “co quắp điều tiết”.

Bàn ghế không thích hợp với lứa tuổi, tư thế ngồi không đúng hoặc khi mệt mỏi, trẻ thường nằm rạp xuống bàn làm bài, ánh sáng trong lớp học không đủ là các yếu tố gây hại mắt. Tầm nhìn không được mở rộng, thường trong vòng 5m, thiếu môi trường để giúp trẻ tập luyện cơ mắt nhìn xa, vì thế khả năng nhìn xa của trẻ ngày càng yếu đi, bác sĩ Sơn cho biết.

Vì thế, để phòng tránh tật khúc xạ tuổi học đường, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần đảm bảo trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ mỗi giờ phải nghỉ 10-15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.

Nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần của sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm. Tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 cm với cấp tiểu học, 30 cm với cấp trung học cơ sở và 35 cm với học sinh trung học phổ thông. Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen hoặc giấy quá trắng, quá bóng.

Bên cạnh đó, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ 8-10 tiếng một ngày; ăn nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Trẻ cần được đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều…

Đăng bởi

Hàng triệu trẻ em Việt bị tật về mắt có nguy cơ mù lòa

Cả nước hiện có hơn 3 triệu trẻ bị tật về mắt, nếu không được đeo kính hoặc điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa.

Khảo sát của các bác sĩ Bệnh viện bay Orbis, một tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên hỗ trợ phòng chống mù lòa và bảo vệ thị lực cho người dân ở các nước đang phát triển, ghi nhận Việt Nam là nước có tỷ lệ trẻ bị bệnh về mắt rất cao, trong đó tỷ lệ mù lòa xếp thứ 4 khu vực châu Á (0,79%). Hiện toàn quốc có trên 3 triệu trẻ suy giảm thị lực, 23.000 em mù lòa cả 2 mắt, hơn 157.000 trường hợp thị lực yếu do đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo giác mạc và bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP).

Các bác sĩ  Bệnh viện Orbis

Các bác sĩ Bệnh viện Orbis phẫu thuật mắt cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể ở Cần Thơ. Ảnh: Trần Ngoan.

Theo bà Celia Yeung, Giám đốc Truyền thông của Bệnh viện Orbis, bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh và các bất thường ở mắt như lác, sụp mi là những nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa ở trẻ em Việt. Trong khi đó, bệnh võng mạc do sinh non có xu hướng trở thành nguyên nhân chính gây mù có thể phòng tránh được. 

Bà Celia cảnh báo trẻ sinh non trước 34 tuần tuổi và cân nặng khi sinh dưới 1,8 kg có nguy cơ bị bệnh mắt rất cao nếu không được khám để phát hiện và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, hơn 3 triệu trẻ em Việt bị tổn thương thị lực do tật khúc xạ có thể dẫn đến suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa nếu không được cấp kính hoặc điều trị sớm.

Đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ trẻ bị các bệnh về mắt rất cao, với khoảng một triệu trường hợp bị tật khúc xạ. Ở đây kinh tế kém phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao nên người dân ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế nói chung và chăm sóc mắt nói riêng. "Khoảng 300.000 trẻ em bị tật về mắt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc mắt. Các trường hợp này nếu không được khám và điều trị kịp thời dễ dẫn đến suy giảm và mất dần thị lực", bà Celia nói.

Nhằm hỗ trợ công tác phòng chống mù lòa và bảo vệ thị lực ở Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện bay Orbis tổ chức nhiều chương trình phẫu thuật mắt miễn phí cho người nghèo và các khóa đào tạo chuyên sâu về nhãn khoa cho hàng trăm y bác sĩ trong cả nước. Đội ngũ chuyên gia và bác sĩ đến từ nhiều quốc gia mang theo máy bay chuyên dụng với đầy đủ thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho việc giảng bài lý thuyết, đào tạo thực hành phẫu thuật, khám và tư vấn về 6 nhóm bệnh phổ biến như glôcôm, bệnh lý mạc, võng mạc trẻ sinh non, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mắt, lác, lé và đục thể thủy tinh bẩm sinh. Các bài giảng và thị phạm mổ trên máy bay được truyền hình trực tuyến cho nhiều học viên khắp thế giới.

Từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện Orbis còn hợp tác cùng một số tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam thực hiện dự án “Ánh sáng cho trẻ em và người lớn tuổi ở đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án kéo dài 3 năm dự kiến giúp 13.500 người dân trong khu vực, đặc biệt là trẻ em, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc mắt chất lượng cao. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhãn khoa còn hỗ trợ và hướng dẫn y bác sĩ ở nhiều bệnh viện triển khai hệ thống thiết bị phẫu thuật tiên tiến nhất thế giới như máy mổ phaco Centurion Vision System giúp kiểm soát cuộc mổ tốt và mang lại hiệu quả cải thiện thị lực nhanh hơn cho bệnh nhân, máy cắt dịch kính Constellation Vision giúp gia tăng độ chính xác trong phẫu thuật dịch kính võng mạc…

Trần Ngoan

Nguồn suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/hang-trieu-tre-em-viet-bi-tat-ve-mat-co-nguy-co-mu-loa-3588070.html