Đăng bởi

Dấu hiệu những người sắp bị đột quỵ ai cũng phải biết

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là bệnh lý tổn thương một phần não, xảy ra đột ngột do các nguyên nhân: tắc nghẽn các mạch máu trên não, gây thiếu máu đến nuôi não. Nó có thể khiến một người đang khỏe mạnh bỗng dưng gục xuống, hôn mê, liệt nửa người, thậm chí dẫn đến tử vong hoặc sống với các di chứng nặng nề.

Theo thống kê, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ ba (sau tim mạch và ung thư) và là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu. Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc đột quỵ đang tăng cao một cách báo động. Theo đó, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ não mới.

Chính vì tính chất nguy hiểm của căn bệnh này, nên việc phòng ngừa nguy cơ xảy ra đột quỵ rất quan trọng. Đột quỵ không có triệu chứng báo hiệu kéo dài nên không ai có thể biết trước mình sẽ bị đột quỵ. Bạn hãy nắm vững những dấu hiệu sau đây là có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ ở bản thân hay những người xung quanh để có thể cấp cứu kịp thời.

1. Dấu hiệu của người bị đột quỵ

– Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng như các dấu hiệu yếu cơ mặt, yếu tay và các vấn đề về ngôn ngữ. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.

– Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

– Dấu hiệu yếu tay hoặc chân: Khi xảy ra đột quỵ, một triệu chứng hay gặp là một bên cánh tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến các chi ở bên đối diện vùng não xảy ra đột quỵ. Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác, không nhấc chân lên được. Bạn có thể kiểm tra bằng cách mở rộng cả hai cánh tay trong 10 giây. Nếu một cánh tay bị rơi xuống thì có thể là chỉ báo yếu cơ – một dấu hiệu của bệnh.

– Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng khó nói hoặc nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.

Hãy tự kiểm tra bằng cách lặp đi lặp lại một cụm từ. Bạn có bị nói líu, dùng từ sai hoặc không thể nói? Nếu điều này xảy ra thì nhiều khả năng bạn bị đột quỵ.

– Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

– Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Một số dấu hiệu khác:

– Tự nhiên chóng mặt: Hệ thống tuần hoàn sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu tim quá yếu. Bộ não không nhận đủ oxy cần thiết. Điều đó sẽ làm bạn luôn cảm thấy chóng mặt, thậm chí đau đầu. Do đó bạn cần chú ý và đi chẩn đoán bệnh ngay khi có biểu hiện trên thường xuyên.

Nếu bạn bị chóng mặt, buồn nôn hoặc gặp khó khăn về đi lại thì bạn có thể nghĩ rằng mình bị say, song thực tế đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.

– Đau đầu nặng: Cơn đau đầu nặng, đột ngột là một triệu chứng hay gặp ở người bị đột quỵ.

– Yếu một bên cơ mặt: Yếu một bên cơ mặt, đột ngột có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Để kiểm tra, các nhân viên cấp cứu có thể yêu cầu bạn cười hoặc nhe răng. Nếu một bên mặt của bạn chùng xuống hoặc không cử động thì có thể bạn bị tình trạng này.

– Khó thở hoặc tim đập nhanh: Một nghiên cứu về những khác biệt giới trong đột quỵ cho thấy phụ nữ dễ bị các triệu chứng khó thở hoặc tim đập nhanh khi đột quỵ.

2. Cách phòng ngừa bệnh đột quỵ

Theo Thạc sĩ Ngô Bá Minh, Bệnh viện Nhân dân 115, đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu, gây tử vong thứ ba sau tim mạch và ung thư.

Theo đó, mọi người, đặc biệt là người trên 50 tuổi nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm để có thể phát hiện sớm và được bác sĩ tư vấn điều trị đúng cách để phòng những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

– Ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao: Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não, vì thế bệnh nhân cần được điều trị để ổn định huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ.

– Ổn định đường huyết: Bệnh tiểu đường là yếu tố gây mảng xơ vữa động mạch lớn, dẫn đến thiếu máu ở não. Ổn định đường huyết cũng là cách để phòng ngừa bệnh đột quỵ.

– Kiểm soát cholesterol trong máu.

– Bỏ thuốc lá, giảm uống rượu: Thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh mạch máu não. Ngừng hút thuốc lá là đã giảm thiểu nguy cơ rất lớn gây đột quỵ.

– Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, ít dầu mỡ, ít cholesterol và muối.

– Thường xuyên vận động để rèn luyện thể chất.

– Ổn định trọng lượng cơ thể.

3. Giờ vàng khắc phục đột quỵ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng – Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 – Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM – thì 3 giờ đầu tiên sau đột quỵ được xem là “thời gian vàng” do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện, khả năng hồi phục rất cao. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi. Do vậy khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Không nên áp dụng các phương pháp truyền miệng, dân gian hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ tác dụng, những việc này sẽ làm chậm trễ thời gian vàng cho điều trị.

Nên cho bệnh nhân đột quỵ tập vận động càng sớm khi có thể. Trước đây, có nhiều quan niệm sai lầm khi bắt bệnh nhân nằm nguyên một tư thế, thậm chí không được nhúc nhích đầu sau khi bị đột quỵ. Hiện nay, các thầy thuốc đều khuyến cáo nên cho các bệnh nhân tập luyện sớm, có thể bắt đầu sau 24 hoặc 48 giờ, khi đã qua giai đoạn nguy hiểm. Ngoài ra việc tập vận động sớm có thể làm giảm các biến chứng khác như viêm phổi, loét do tì đè.

Hồi phục sau đột quỵ là một quá trình tự nhiên. Quá trình phục hồi đòi hỏi thời gian – phần lớn trong 3-6 tháng đầu, nhưng có thể tiếp tục tiến triển cho đến 2 năm hoặc lâu hơn. Vì vậy, bệnh nhân không nên mất hy vọng nếu bị tàn phế nặng.

4. Cách xử trí người bị đột quỵ

Khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách:

– Đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương.

– Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói; móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.

– Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

– Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.

– Không để nằm chờ xem có khỏe lại không.

– Không cạo gió, cắt lễ, cúng vái…

– Phải đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sưng, hoặc bị chèn ép.

Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 1,25 lần so với nữ giới nhưng nữ giới lại tử vong do đột quỵ nhiều hơn. Nam giới bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn và do đó, tỷ lệ được cứu sống cao hơn nữ giới. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ chỉ có ở phụ nữ gồm: mang thai, sinh nở, mãn kinh và uống thuốc ngừa thai. Những yếu tố nguy cơ trên thay đổi tùy thuộc vào mức dao động của hormon và các giai đoạn của cuộc đời.

Châu Anh (th)

Nguồn http://giadinh.net.vn/song-khoe/dau-hieu-nhung-nguoi-sap-bi-dot-quy-ai-cung-phai-biet-20170901152056248.htm

Đăng bởi

Có thật suy nghĩ tích cực mang lại kết quả tích cực?

co-that-suy-nghi-tich-cuc-mang-lai-ket-qua-tich-cuc

access_timeOct 04, 2017 personRubi folder_open Kiến Thức Tâm Lý Nhận Thức

Suy nghĩ tích cực có thể làm chúng ta cảm thấy tốt hơn trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, nó dần dần phá hoại động lực, cản trở việc đạt được mục tiêu hay mong muốn của mình, và để lại cảm giác bối rối, lúng túng, bế tắc.

(Dịch từ bài viết Don’t think too positive trên tạp chí Aeon.co, tác giả Gabriele Oettingen – professor of psychology at New York University and the University of Hamburg)

*** Lưu ý: các nghiên cứu và thí nghiệm nhắc đến trong bài dịch đều có dẫn nguồn trong bài viết gốc. Một số đoạn dịch không quá chính xác như bản gốc nhưng vẫn giữ nguyên nội dung.

Có phải bạn nghĩ suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu của mình? Rất nhiều đang người tin vào điều đó. Tâm lí học đại chúng, (tâm lí học ăn liền; nguyên văn: “pop schycology”, định nghĩa trong từ điển Colin: pop schycology are beliefs about psychology, and about ways of applying psychology which are not based on science) và nền công nghiệp sách self-help trị giá 12 tỷ đô đã thúc đẩy sự lan truyền của niềm tin rằng suy nghĩ tích cực có thể cải thiện tâm trạng của chúng ta và dẫn đến những sự thay đổi có lợi trong cuộc sống. Trong cuốn sách “The Secret daily teaching” (2008) của tác giả sách Self–help Rhonda Byrne gợi ý rằng: “Bất cứ điều gì lớn lao mà bạn đang tìm kiếm, hãy nghĩ về chuyện ăn mừng điều đó trong hiện tại, như thể bạn đã thực sự làm được điều đó”

Tuy nhiên, nghiên cứu tâm lý học chỉ ra những điểm phức tạp hơn. Dung túng chính mình trong những chuyến bay tích cực hoặc mơ mộng không phải luôn mang lại lợi ích cho chúng ta. Suy nghĩ tích cực có thể làm chúng ta cảm thấy tốt hơn trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, nó dần dần phá hoại động lực, cản trở việc đạt được mục tiêu hay mong muốn của mình, và để lại cảm giác bối rối, lúng túng, bế tắc. Nếu chúng ta thật sự muốn phát triển trong cuộc sống, tương tác với thế giới và năng động, chúng ta cần phải đi xa hơn việc suy nghĩ tích cực, và kết nối với những trở ngại mà mình có thể gặp phải trên đường đi. Bằng cách mang giấc mơ của mình tiếp xúc với thực tại, chúng ta có thể giải phóng nguồn năng lượng của mình ở mức tối đa và đạt được những bước tiến lớn trong cuộc sống.

Bây giờ, bạn có thể thắc mắc nếu suy nghĩ tích cực thật sự có hại như tôi đang chỉ ra. Thật ra thì, suy nghĩ tích cực thật sự mang lại sự tiêu cực. Qua rất nhiều nghiên cứu trong hai thập kỉ qua, tôi và đồng sự của mình đã phát hiện ra mối liên hệ mạnh mẽ giữa suy nghĩ tích cực và hiệu suất thấp/năng suất kém. Trong một nghiên cứu, chúng tôi đã yêu cầu sinh viên “say nắng” (crush) một ai đó ở xa tưởng tượng về việc họ sẽ bắt đầu mối quan hệ với người kia trong hoàn cảnh nào. Sau đó, chúng tôi yêu cầu các sinh viên này tạo nên một kịch bản liên quan đến buổi hẹn hò đó. “Bạn đang ở một buổi tiệc”, một kịch bản đưa ra tình huống. “Khi bạn đang nói chuyện với crush, bạn thấy một người khác bước vào phòng, người mà bạn nghĩ crush của bạn đang thích họ. Khi người này tiến đến hai bạn, bạn tưởng tượng …”

Một số sinh viên hoàn thành kịch bản này với những kết thúc rất lãng mạn. “Hai chúng tôi sẽ rời khỏi bữa tiệc cùng nhau, mọi người đều nhìn chúng tôi, đặc biệt là cô gái kia (mình có thể dịch là con cáo kia được không 😀)… ”. Một số người khác mang đến một số viễn cảnh tiêu cực “Crush của tôi với con cáo kia bắt đầu bàn luận về mấy vấn đề mà tôi chẳng biết gì. Họ có vẻ thoải mái với nhau hơn tôi và crush nhiều …”

Sau 5 tháng, chúng tôi hỏi lại các sinh viên này về việc họ có thật sự bắt đầu mối quan hệ lãng mạn nào với crush không. Các sinh viên nào có càng nhiều suy nghĩ tích cực về tương lai với crush của họ, khả năng họ thật sự bắt đầu một mối quan hệ thật sự càng thấp. 

Đồng sự của tôi và tôi cũng đã thực hiện các nghiên cứu như vậy với những người tham gia ở một số nhóm nhân khẩu học khác nhau, ở các quốc gia khác nhau và với nhiều mong muốn cá nhân, bao gồm các mục tiêu về sức khoẻ, mục tiêu học tập và nghề nghiệp, và các mục đích liên quan. Chúng tôi đều tìm thấy một mối tương quan giữa tưởng tượng tích cực và hiệu suất kém. Càng nhiều người nghĩ tích cực và tưởng tượng việc đạt được mục tiêu, khả năng họ thật sự đạt được điều đó càng thấp.

Suy nghĩ tích cực làm giảm năng suất vì nó làm chúng ta thư giãn và làm cạn dần năng lượng chúng ta cần để hành động. Trong một nghiên cứu, người tham gia được yêu cầu tưởng tượng tích cực về tương lai trong vòng một vài phút, chúng tôi đã chứng kiến sự giảm sút trong áp lực bơm máu, một thang đo lường điển hình của năng lượng mỗi người. Sự giảm sút là đáng kể, khi hút một điếu thuốc có thể làm tăng mức năng lượng của một người từ 5 đến 10 điểm, thì suy nghĩ tích cực trong vài phút có thể làm giảm mức năng lượng xuống còn một nửa mức đó.

Sự thư giãn như vậy xảy ra vì những viễn cảnh tích cực đánh lừa tâm trí chúng ta rằng mục tiêu đã được hoàn hành, hiện tượng mà các nhà tâm lý gọi là “tinh thần thành tựu” (mental attainment). Chúng ta đạt được thành tựu trong tưởng tượng và vì vậy hành động ít hơn trong thực tế trên con đường đi đến mục tiêu. Như một hệ quả, chúng ta không thực hiện những hành động để thực sự đạt được kết quả. Trong nhiều nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra rằng những người thường tạo nên viễn cảnh tích cực thực ra lại không làm việc chăm chỉ bằng những ai có suy nghĩ tiêu cực hơn, đặt ra nhiều câu hỏi hoặc suy nghĩ thực tế, và điều đó dẫn đến sự chật vật của họ với năng suất thấp.

Liên quan đến mối tương quan giữa suy nghĩ tích cực và năng suất thấp, liệu suy nghĩ tích cực có làm tăng khả năng trầm cảm của một người hay không? Các đồng sự và tôi cũng nghi ngờ về vấn đề này. Các nghiên cứu đã cho thấy năng suất thấp có thể làm các dấu hiệu trầm cảm xuất hiện. Thêm vào đó, các nhà tâm lý học còn đưa ra giả thuyết rằng những người đang chán nản sẽ bắt đầu nhìn mọi thứ một cách méo mó, ám ảnh về những kích thích tiêu cực và ghi nhận những điều bình thường ở mức độ tiêu cực. Sự căng thẳng có thể gây ra sự thiên vị/lệch lạc trong tâm trí, nếu không thì sự tiêu cực đã có thể nằm yên trong tâm trí của chúng ta và không xuất hiện. Và việc phát hiện ra rằng bạn đã thất bại trong việc đạt được một mục tiêu nào đó có thể là tất cả những căng thẳng để bắt đầu một cách nhìn cuộc sống tăm tối, và qua đó làm tăng thêm sự chán nản. (Dịch ra hơi rối nhưng đại loại là tác giả nghi ngờ suy nghĩ tích cực làm tăng mức độ trầm cảm, vì khi kết quả không được như tưởng tượng, thì mọi người thường chán nản. Và sự chán nản này có thể dễn đến hàng loạt thất bại – chán nản khác)

Để tìm ra liên hệ giữa suy nghĩ tích cực và trầm cảm, chúng tôi tiến hành một loạt thử nghiệm với người lớn và trẻ em. Trong một nghiên cứu, chúng tôi yêu cầu 88 sinh viên Mỹ chưa tốt nghiệp hoàn thành những kịch bản mở, tưởng tượng rằng họ là những nhà viết kịch. “Bạn đang làm việc cho một dự án quan trọng”, một kịch bản viết. “Bạn biết rằng bạn không thể hoàn thành dự án đúng kế hoạch và bạn phải đề nghị khách hàng của mình gia hạn thêm. Bạn biết rằng khách hàng có thể đồng ý gia hạn cho bạn… Hôm nay khách hàng của bạn sẽ cho bạn biết ý kiến của anh ta”. Người tham gia thử nghiệm phải tưởng tượng rằng họ đang đứng trong phòng chờ và đợi ý kiến của khách hàng, và phải viết về suy nghĩ của họ rồi đánh gia trên các thang tích cực và tiêu cực. Chúng tôi cũng đo lường sự lo lắng/trầm cảm của người tham gia bằng một mẫu khảo sát gọi là Center for Epidemiological Studies Depression Scale.

Cuối cùng, chúng tôi gọi các sinh viên quay lại và tiến hành làm thêm các kịch bản khác và trải qua một đợt đo lường về sự lo lắng/trầm cảm nữa. Chúng tôi phát hiện ra rằng viễn cảnh sinh viên vẽ ra càng tích cực, thì mức độ lo lắng/trầm cảm càng thấp trong lần khảo sát đầu tiên, nhưng họ lại lo lắng nhiều hơn trong đợt đánh giá một tháng sau đó.

Chúng tôi thắc mắc liệu năng suất thấp có thật sự mang lại mức độ trầm cảm cao hơn trong dài hạn, nên chúng tôi thiết kế một thử nghiệm khác để kiểm tra điều đó. Trong thời gian bắt đầu một kì học mới, chúng tôi cho 148 học sinh hoàn thành các kịch bản tương tự nhau, và sau đó đánh giá họ theo các mức độ trầm cảm. Hai tháng sau, khi học kì gần kết thúc, những sinh viên này trả lời các câu hỏi liên quan đến nỗ lực học tập của họ, và làm đánh giá về mức độ trầm cảm lần thứ hai. Thêm vào đó, sinh viên cũng cung cấp thông tin cho chúng tôi về số lượng giờ họ chuẩn bị bài cho các lớp học từ bài kiểm tra lần cuối cùng, cảm nhận của họ về sự chăm chỉ của bản thân, và họ có nghiên cứu thêm ngoài giờ học hay không. Chúng tôi cũng lưu lại kết quả học tập của họ vào kì thi giữa kì và cuối kì.

Chúng ta đạt được mục tiêu của mình trong tâm trí, và vì vậy cảm thấy hạnh phúc ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, trải qua thời gian, chúng ta lại nỗ lực ít hơn. Thực tế luôn luôn có cách bám theo chúng ta.

Đúng như chúng tôi dự đoán, những sinh viên càng tưởng tượng về tương lai theo các hướng tích cực, họ lại càng làm việc kém hơn ở trường học. Chúng tôi cũng phát hiện ra các mối liên hệ giữa năng suất chuyên môn thấp, nỗ lực kém và mức độ trầm cảm cao. Sinh viên càng hoạt động năng suất thấp, họ càng lo lắng nhiều hơn, hoặc nói một cách khác, là họ chưa chăm chỉ thật sự.

Những cuộc thử nghiệm khác đối với bệnh nhân đã thử tự tử phát hiện ra rằng, những bệnh nhân có tưởng tượng viễn cảnh tốt đẹp về bản thân họ ban đầu thường ít nghĩ về chuyện tự tử hơn nhưng khi thời gian trôi đi, nỗ lực tự tự lại quay trở lại một cách mạnh mẽ hơn. Và những người già vẽ ra một tương lai hạnh phúc, cuối cùng lại ít hạnh phúc hơn. Khi tưởng tượng về một tương lai lí tưởng, những người tham gia nghiên cứu đã có thể chưa chuẩn bị cho những khó khăn tiềm tàng khi già hơn.

Nói một cách rõ ràng, báo cáo nghiên cứu của chúng tôi không chỉ ra tưởng tượng tiêu cực trực tiếp gây ra trầm cảm dài hạn, chỉ là một mối liên hệ hoặc quan hệ nguyên nhân kết quả (correlation) tồn tại giữa việc mơ về tương lai và trạng thái chán nản, buồn rầu. Tuy nhiên, một mối quan hệ nguyên nhất kết quả chắc chắn là có thể tin vào. Bạn cũng có thể thắc mắc tại sao những người tham gia vào các thí nghiệm trên không thấy mức trầm cao hơn ban đầu, nhưng lại chán nản nhiều hơn theo thời gian. Nếu suy nghĩ tích cực tương đồng với trầm cảm, tại sao mối quan hệ đó lại không xuất hiện ngay lúc ai đó mơ ước đạt được mong muốn? Câu trả lời có thể là trải nghiệm suy nghĩ tích cực lúc ban đầu như một cảm giác thoả mãn (pleasurable). Chúng ta đạt được mục đích của chúng ta trong tâm trí, và do đó cảm thấy tốt đẹp trong thời điểm này, hạnh phúc hơn, lạc quan hơn. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng ta cố gắng ít hơn và nhìn thấy kết quả đáng thất vọng, và dẫn đến là quan điểm của chúng ta thay đổi và chúng ta trở nên chán nản hơn. Thực tế luôn có bắt kịp chúng ta.

Bạn có thể tự hỏi phải làm gì hoặc nói gì nếu bạn của bạn đang chán nán, hoặc nếu bạn cảm thấy buồn, cạn kiệt, buồn thảm – trầm cảm. Nếu bạn đang nghĩ đến việc nói với họ “hãy đứng lên”, hãy nhìn vào mặt tươi sáng hoặc suy nghĩ tích cực, như rất nhiều chuyên gia self-help, bạn có thể đang giúp họ ngay lúc đó nhưng lại làm họ tổn hại trong dài hạn.

Vậy nếu suy nghĩ tích cực không phải là giải pháp tốt nhất, thì đó là điều gì? Câu trả lời mà tôi đã tìm ra, là kết hợp tưởng tượng với thực tế – mang suy nghĩ tích cực thử thách lại với những dự đoán về khó khăn trong cả quá trình.

Suốt những năm 90, những thử nghiệm đầu tiên của tôi đều chứng minh rằng “suy nghĩ tích cực” cản trở mọi người nhận thức về ước nguyện của họ, tôi thấy thất vọng với điều đó. Tôi đã bắt đầu con đường nghiên cứu này vì tôi muốn giúp mọi người và mang đến sự biến chuyển tích cực trong cuộc sống của họ. Tôi bắt đầu trăn trở phương pháp suy nghĩ nào thật sự làm mọi người luôn tràn đầy năng lượng, năng động và tiến lên phía trước trong cuộc sống. Nhận ra rằng suy nghĩ tích cực có chiều hướng làm mọi người thư giãn, tôi thắc mắc liệu có cách nào để sử dụng những giấc mơ về tương lai đó để làm một điều khác – truyền động lực cho mọi người. Tôi đã nghĩ rằng việc kết hợp suy nghĩ tích cực với nhận thức đúng đắn về thực tế có thể là một mẹo hay. Nếu chúng ta có thể mang tưởng tượng vào trong thực tế, có lẽ chúng ta có thể làm giảm hiệu ứng thư giãn, sự trễ nải của những tưởng tượng này, và khuấy động mọi người hành động.

Trong một số nghiên cứu, đồng sự và tôi đã nhận ra rằng, “sự đối lập tinh thần” (mental contrasting), như cách chúng tôi vẫn gọi, thật sự thúc đẩy mọi người và nâng cao năng suất của họ. Trong một nghiên cứu, chúng tôi đã hỏi 168 sinh viên nữ tại Đức về mong muốn họ quan tâm nhất liên quan đến các mối quan hệ, và đánh giá mức độ đạt được những mong muốn đấy theo suy nghĩ của họ. Một số người đã viết về những kết quả tích cực liên quan đến việc thực hiện ước muốn (ví dụ như có nhiều thời gian hơn cho nhau hoặc được yêu) cũng như bốn trở ngại tiêu cực liên quan đến điều gì cản trở việc thực hiện ước muốn (quá nhút nhát hoặc có quá nhiều công việc).

Chúng tôi chia các sinh viên thành bốn nhóm, chỉ có một nhóm được yêu cầu thực hiện “sự đối lập tinh thần”. Những sinh viên này tưởng tượng về kết quả tích cực nhất có thể nảy sinh nếu mong muốn của họ trở thành sự thật, sau đó nghĩ về một trở ngại quan trọng ngăn cản họ thực hiện mong muốn. Đối với mỗi kết quả và trở ngại, họ đã ghi lại suy nghĩ của mình.

Sinh viên trong nhóm thứ hai chỉ tưởng tượng về những kết quả tích cực nhất, trong khi sinh viên trong nhóm thứ ba chỉ tưởng tượng về những trở ngại quan trọng. Nhóm thứ tư ‘đảo ngược lại’: họ thực hiện một bài tập có nội dung tương đồng với sự đối lập về tinh thần, nhưng bắt đầu với một trở ngại và sau đó tưởng tượng ra kết quả tích cực.

Hai tuần sau khi thử nghiệm, chúng tôi hỏi sinh viên về những gì họ đã thực sự thực hiện để thực hiện mong muốn của họ. Kết quả thật thú vị. Tôi đã mong đợi rằng các sinh viên đã thực hiện “đối lập về tinh thần” sẽ nhận được một sự thúc đẩy và thực hiện nhiều hành động hơn. Một số người trong số họ đã làm được – những người có mục đích hoặc mong muốn thực tế hoặc có thể đạt được. Những người trong nhóm “đối lập về tinh thần” có mong muốn không thực tế giảm đáng kể số lượng nỗ lực mà họ áp dụng. Nói tóm lại, sự “đối lập về tinh thần” cho phép mọi người tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu họ có cơ hội đạt được, và loại bỏ các mục tiêu không thực tế. Kết quả là một sự áp dụng năng lượng tổng quát hơn. Học sinh chăm chú theo đuổi các mục tiêu không thực tế có thể chuyển hướng năng lượng của họ cho những mục tiêu khác hợp lý hơn. Sự đối lập về tinh thần làm cho nhiều người theo đuổi các mục tiêu tiềm năng mạnh mẽ hơn.

Từ nghiên cứu ban đầu đó, các đồng nghiệp và tôi đã thực hiện một số thí nghiệm khảo sát mối liên hệ giữa sự đối lập về tinh thần và thành tựu. Chúng tôi đã xem xét tất cả các mục đích và mục tiêu, bao gồm học ngoại ngữ, học giỏi toán học, thành công trong các cuộc đàm phán kinh doanh, đưa ra những quyết định hiệu quả hơn, bắt đầu thói quen hút thuốc, tập thể dục nhiều hơn, và giúp đỡ các cơ sở làm việc. Trong tất cả các trường hợp này, chúng tôi đã tìm ra cùng một mô hình: các trở ngại đã dẫn dắt những người có mục tiêu thực tế nỗ lực nhiều hơn và hành động hiệu quả hơn, và những người có mục tiêu không thực tế bị tụt lại. Trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống, sự đối lập trong tinh thần dường như là một cách hữu hiệu để điều chình nỗ lực chúng ta bỏ ra để đưa chúng ta ở lại cuộc đua và thành công.

Tại sao sự đối lập trong tinh thần có hiệu quả rất tốt? Theo các nghiên cứu sâu hơn, phương pháp này hoạt động trong não chúng ta theo một cách tinh tế, không nhận thức được để thúc đẩy chúng ta đi theo những mong muốn khả thi và tránh xa những mong muốn không khả thi. Đối lập trong tinh thần tăng cường khả năng nhận biết các trở ngại trong quá trình của mỗi người. Nó cũng củng cố các liên kết nhận thức giữa tương lai và trở ngại, cũng như giữa những trở ngại và những gì chúng ta cần làm để vượt qua chúng. Tất cả những điều này khiến chúng ta phải giải quyết những trở ngại có thể vượt qua, và tránh xa những trở ngại mà chúng ta cho là không thể vượt qua được.

Sự đối lập trong tinh thần cũng thúc đẩy chúng ta để chúng ta có thể chinh phục những trở ngại quan trọng trong quá trình. Năng lượng bổ sung xuất hiện khi huyết áp tâm thu tăng lên như các báo cáo của người tham gia về cảm giác hồi hộp. Cuối cùng, sự đối lập về tinh thần giúp chúng ta xử lý phản hồi tiêu cực, hình thành các kế hoạch để hành động, và bảo vệ tinh thần của chúng ta trước phản hồi tiêu cực, miễn là các mục tiêu của chúng ta là thực tế. Chúng ta tiến đến mục tiêu của mình. Nếu mục tiêu của chúng ta không thực tế, nó sẽ khiến chúng ta tách rời khỏi chúng, để chúng ta tự do định hướng năng lượng hướng tới những mục tiêu thực tế hơn.

Mặt khác,các chiến lược về nhận thức khác cũng thúc đẩy sự hiệu quả của đối lập trong tinh thần. Nhà tâm lý học Peter M Gollwitzer và đồng sự của ông tại Đại học Newyork đã sử dụng một chiến lược gọi là “mục tiêu hành động”, trong đó mọi người vạch ra kế hoạch hành động trong tương lai bằng các tuyên bố theo cấu trúc “nếu -thì”: “nếu tôi gặp tình huống X, tôi sẽ phản ứng theo mục tiêu Y”. Một người đang cố gắng giảm cân sẽ nói rằng, “Nếu tối muộn, tôi rất thèm sô-cô-la, thì tôi sẽ ăn một qủa táo hoặc một quả cam”. Một người đang cố gắng bình tĩnh trong một cuộc phỏng vấn có thể thiết lập tuyên bố là “Nếu tôi đang ở trong một cuộc phỏng vấn và tôi bắt đầu mất bình tĩnh, thì tôi sẽ nhắc nhở bản thân là mình có năng lực trong những việc mình làm”

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người thiết lập kế hoạch theo chiến lược này sẽ hành động năng suất hơn. Trong một nghiên cứu, một phụ nữ muốn tập thể dục nhiều hơn đã đi bộ nhiều hơn; trong một nghiên cứu khác, người sợ tham gia trị liệu sẽ có xu hướng xuất hiện trong các buổi trị liệu hơn.

Nghiên cứu của chúng tôi kết hợp chiến lược này với đối lập trong tinh thần thành một bài tập 4 bước mà mọi người có thể ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đồng sự và tôi gọi đây là bài tập WOOP – Wish, Outcome, Obstacle, Plan (Mong muốn – Kết quả – Trở ngại – Kế hoạch). Xác định mong muốn, tưởng tượng về kết quả và các trở ngại là phần đối lập trong tinh thần, mục tiêu hành động chính là bước cuối cùng: lên kế hoạch. Bài tập đơn giản và ngắn gọn, chỉ cần 5 đến 10 phút để hoàn thành. Có thể tự làm ở nhà, tại chỗ làm, hoặc ở tàu điện ngầm – bất cứ nơi nào.

Giả sử rằng bạn đang chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn việc làm mà bạn đang mong đợi. Bạn không cảm thấy thoải mái trong các tình huống phỏng vấn, và bạn thực sự muốn gây ấn tượng với người phỏng vấn của bạn và nhận được công việc này. Trước tiên, bạn hãy xây dựng mong ước của bạn: “Tôi muốn người phỏng vấn của tôi bị ấn tượng bởi những thông tin của tôi, sự thu hút của tôi, kiến ​​thức của tôi về ngành công nghiệp và niềm đam mê của tôi đối với công việc”. Sau đó bạn hình dung kết quả tích cực, cho phép hình ảnh trôi nổi tự do vào và ra tâm trí của bạn. Bạn nghĩ về bản thân mình kết nối với người phỏng vấn của bạn, thư giãn, nói đùa một chút, bình tĩnh thể hiện bạn là ai và tại sao bạn muốn công việc này. Bạn nghĩ người phỏng vấn của bạn chú ý và cười vào đúng thời điểm. Và bạn nghĩ về biểu hiện vui mừng của cô ấy khi gặp bạn và cô ấy cảm thấy bạn phù hợp với công ty như thế nào.

Sau đó, bạn xác định các trở ngại trên con đường của bạn: lo lắng của riêng bạn trong các tình huống phỏng vấn, khó khăn bạn cảm thấy khi thể hiện bản thân. Bạn để tâm trí của bạn đi lang thang, tưởng tượng những khó khăn này. Bạn nghĩ về thời gian khác khi bạn đã rất lo lắng trước cuộc phỏng vấn, đôi khi không làm tốt như bạn có thể. Bạn tự hỏi chính mình đã gây ra sự lo lắng, và bạn có thể nghĩ đến những lần bạn cảm thấy bị lu mờ bởi những người khác, khi bạn không cảm thấy đủ thông minh. Có lẽ bạn nghĩ đến những điểm đáng thất vọng mà bạn nhận được trên các kỳ thi, hoặc một người phỏng vấn trước đây, người đã bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng của bạn, hoặc một đồng nghiệp gần đây có vẻ không quan tâm đến những điểm bạn đã nêu ra trong một cuộc trò chuyện. Bạn nghĩ đến bữa tiệc cocktail mà bạn đã tham dự khi bạn mô tả một số khó khăn trong công việc của bạn với một khách mời khác, và cô ấy đã không đồng ý với những gì bạn đang nói. Bây giờ bạn nhận ra rằng trở ngại cuối cùng là thiếu sự tự tin về những ý tưởng của bạn, và bây giờ bạn tưởng tượng ra sự thiếu tự tin này.

Bây giờ bạn hình thành kế hoạch. Dựa trên những suy nghĩ đã có về trở ngại, bạn có thể nói những câu như là: “Nếu tôi bắt đầu cảm thấy mất tự tin trong các cuộc phỏng vấn, thì tôi sẽ nhắc nhở bản thân là mình đủ thông minh và biết về chủ đề mình đang nói hơn bất cứ ai”.

Tất nhiên, bạn không phải giới hạn WOOP trong các mong muốn về chuyên môn sự nghiệp. Trong thập kỷ qua, chúng tôi đã thử nghiệm phương pháp ở những người có nhiều mong muốn khác nhau và thấy rằng nó đã giúp họ đạt được nhiều hơn so với áp dụng một mình phươg pháp đối lập tinh thần hoặc phương pháp mục tiêu hành động. Trong một nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng WOOP đã giúp các bà mẹ có thu nhập thấp tham dự một chương trình dạy nghề giúp họ quản lý thời gian tốt hơn. Trong các nghiên cứu khác, trẻ em thê hiện tốt hơn ở trường, phụ nữ trung niên đã ăn uống tốt hơn và tập thể dục thường xuyên hơn, bệnh nhân đột quỵ giảm cân và di chuyển nhiều hơn, các cặp vợ chồng giao tiếp tốt hơn về các vấn đề khó khăn và tha thứ cho nhau dễ dàng hơn – tất cả nhờ WOOP.

Đây không phải là những cải tiến nhỏ. Trong nghiên cứu của chúng tôi về phụ nữ cố gắng cải thiện chế độ ăn và tập thể dục nhiều hơn, chúng tôi nhận ra rằng những người áp dụng WOOP tập thể dục nhiều gấp đôi ngay sau khi áp dụng và tập nhiều hơn 4 tháng so với nhóm cũ. Sau hai năm, họ đang ăn nhiều rau củ hơn mỗi ngày. Đó là một sự khác biệt mạnh mẽ, mà không cần các can thiệp tốn kém như liệu pháp, huấn luyện hay dùng thuốc.

Về sự thành công của WOOP, chúng tôi thắc mắc liệu WOOP có hiệu quả đối với những người trầm cảm mức độ nhẹ hay trung bình không? Những người trầm cảm thường bị thiếu động lực hoặc năng lượng. Họ trở nên không hứng thú trong cuộc sống hàng ngày và nỗ lực rất ít. Họ trở nên cáu kỉnh, buồn rầu và không thể cảm nhận niềm vui của trải nghiệm cuộc sống. Nhưng động lực và nỗ lực chính xác là những gì WOOP thúc đẩy khi liên quan đến những mong muốn thực tế.

Chúng tôi thực hiện một quảng cáo trên báo tìm kiếm những người bị trầm cảm và sẵn sàng thử phương pháp mới và hữu hiệu. Cuối cùng chúng tôi chia 47 người tham gia vào hai nhóm trầm cảm nhẹ và trầm cảm mức trung bình. Mỗi người chọn một mục tiêu quan trọng và có thể đạt được: ví dụ “Tôi muốn trở nên năng động hơn trong các hoạt động thể chất mà tôi yêu thích” hoặc “Thay vì càm ràm và suy nghĩ tiêu cực, tôi muốn phát triển các suy nghĩ tích cực về cách nhìn nhận bản thân, thế giới xung quanh và tương lai”.

Đối với nhóm đầu tiên, người tham gia thực hiện bài tập WOOP: tưởng tượng về thành quả và các khó khăn, và sau đó tạo ra kế hoạch “nếu-thì”. Sau ba tuần, chúng tôi kiểm tra mọi người và hỏi về các mục tiêu đã thành công hay chưa? Chúng tôi tiến hành đánh giá lại mức độ trầm cảm của họ một lần nữa.

Tương đồng với giả thuyết của chúng tôi, khoảng 80% người tham gia thực hiện WOOP đạt được mục đích của họ, trong khi con số này ở nhóm còn lại là 30%. Đây là một sự khác biệt lớn! Về mặt hiệu quả, WOOP giúp ích về mặt thiếu động lực, chính là triệu chứng quan trọng của trầm cảm. Chúng tôi chưa tìm ra mức độ khác biệt về trầm cảm giữa nhóm thực hiện WOOP và nhóm còn lại, tuy nhiên, rất có thể lí do là vì thử nghiệm trong vòng ba tuần chưa đủ dài để mức độ trầm cảm có thể giảm xuống. Như nghiên cứu gợi ý, mọi người có thể năng động hơn trong cuộc sống và hoàn thành được nhiều việc hơn, bằng cách đơn giản là thực hiện bài tập tâm trí đơn giản này.

Hãy tìm ra những trở ngại trong nội tại của bạn và để hình ảnh về nó lướt qua tự do trong tâm trí.

Nếu bạn đang chịu đựng trầm cảm, WOOP có thể giúp bạn trở nên năng động hơn, hoạt động tích cực và thành công hơn trong cuộc sống. Thực hiện WOOP là một quá trình của sự khám phá, và nó rất thú vị, vậy tại sao lại không thử xem? Trong một không gian tĩnh lặng và thư giãn, hãy hình thành một mong muốn về tương lai. Nhắm mắt lại và tưởng tượng ra sự thành công của mong muốn, và mọi niềm hạnh phúc mà nó có thể mang lại. Đó có thể là sự thăng tiến trong công việc, sự chúc tụng từ bạn bè và gia đình, mức lương tăng cao hứa hẹn một sự thay đổi tích cực trong phong cách sống. Đó có thể là cưa đổ một người hấp dẫn và bắt đầu một mối quan hệ lãng mạn, và mọi trải nghiệm hấp dẫn mà hai người sẽ có cùng nhau. Hãy để tâm trí bạn tưởng tượng và đắm chìm trong mọi viễn cảnh.

Bây giờ đến phần thử thách hơn. Những trở ngại nào có thể ngáng chân bạn trên con đường đạt được mong muốn này? Hãy nhìn vào bên trong bạn và thành thật với bản thân mình – gạt tất cả lí do nguỵ biện sang một bên. Bạn có sẵn sàng dành hàng giờ đồng hồ làm việc hết sức để đạt được sự thăng tiến này không? Bạn có đủ dũng cảm để đề nghị một người hấp dẫn và thành công trở thành người yêu của mình không? Quá trình tìm ra những khó khăn thực tế này có thể mang lại những cảm xúc không thoải mái trong quá trình, bởi vì chúng ta thường không chọn cách đối diện trực tiếp và thành thật với những trải nghiệm không dễ chịu. Hãy tìm ra những trở ngại trong nội tại của bạn và để hình ảnh về nó lướt qua tự do trong tâm trí.

Cuối cùng, hãy thiết lập một kế hoạch “nếu-thì”. Ví dụ như, “Nếu tôi cảm thấy bất an với người yêu, thì tôi sẽ nhắc bản thân về những điểm làm mình thú vị”, hoặc, “Nếu tôi được mời ăn món tráng miệng sau 6h tối, thì tôi sẽ ăn hoa quả thay vào đó”.

Và, chính là thế đấy. Nghĩ về một ngày của bạn, và hãy để WOOP mang đến phép màu. Hãy thử WOOP nhiều như bạn muốn, cùng với nhiều kiểu mục tiêu và mong ước khác nhau. Trước khi quá muộn, bạn sẽ thấy mình cải thiện trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Nếu bạn đã từng trầm cảm, bạn sẽ thấy mình tìm lại được sức mạnh và nguồn năng lượng cũ. Và khi bạn thực hành WOOP càng nhiều, việc đó càng dễ dàng và xảy ra nhanh hơn. Sớm thôi, bạn sẽ thấy mình thưc hiện WOOP trong những giờ phút rảnh rỗi ở siêu thị hoặc trước khi đi ngủ.

WOOP không phải là phương pháp chữa trị thần thánh cho trầm cảm, và nó cũng không phải là sự thay thế của phương pháp suy nghĩ tích cực. Đúng hơn là, hãy sử dụng cả WOOP và suy nghĩ tích cực đơn thuần, dựa trên từng tình huống và nhu cầu của bạn. Nếu bạn đang ở trong một khủng hoảng, và bạn cần một sự thúc đẩy tức thời, hãy tưởng tượng về những viễn cảnh tươi đẹp của tương lai. Nhưng đừng chỉ làm như vậy. Để đạt được sự cải thiện trong dài hạn, hãy chắc chắn là mang giấc mơ của bạn tiếp xúc với tình hình thực tế. Trước khi cảm nhận được điều đó, bạn có thể sẽ chỉ cảm thấy cuộc sống hàng ngày cuốn hút hơn, từ công việc hàng ngày và thời gian bên bạn bè đến những bông dương đào rực rỡ trong suốt mùa xuân.

Để tìm hiểu thêm về nghiên cứu này và WOOP, hãy xem “Rethinking Positive Thinking” (2014) của Gabriele Oettingen.

 https://static01.nyt.com/images/2014/12/23/science/23scibook/23scibook-blog427.jpg

Nguồn dịch: peacelandweb.wordpress.com/2017/09/29/co-that-suy-nghi-tich-cuc-mang-lai-ket-qua-tich-cuc

Theo tamlyhoctoipham.com/co-that-suy-nghi-tich-cuc-mang-lai-ket-qua-tich-cuc

Đăng bởi

Nước sâu thì chảy chậm, người khôn thì nói ít: Chỉ có kẻ ngốc mới dùng miệng làm vũ khí tấn công mọi người

http://cafefcdn.com/zoom/650_413/2019/1/30/20160727-121314-2d0bb613aaba807d407924c49b3f6111600x375-1548834297058219136648-crop-15488343230381733355266.jpg

Học nói chỉ mất 2 năm nhưng học cách im lặng thì phải mất cả đời.

Chìa khóa cho sự thanh lịch của con người là kiểm soát cảm xúc và không tấn công người khác bằng lời nói của mình. Hãy nhớ rằng: Nước sâu thì chảy chậm, người khôn thì nói ít. Người thật sự có học vấn luôn khiêm tốn mà không khoe khoang. Người thật sự có của cải luôn giản dị, không màng hào nhoáng. Còn người có trí tuệ luôn biết giữ im lặng và chỉ nói vừa đủ khi cần.

Nikki Sex đã nói: "Một người đang tức giận hiếm khi dừng lại để nhìn nhận cách cư xử của mình". Quả đúng như vậy, cho dù thông minh đến mấy, một khi tức giận, chúng ta sẽ không thể đưa ra các quyết định đúng đắn và khôn ngoan nhất có thể mà thường để cảm xúc tiêu cực chi phối. Những lời nói ra trong lúc tức giận cũng tương tự như vậy. Mỗi câu xúc phạm hay động chạm tới lòng tự trọng đều khiến người khác tổn thương rất nặng nề, trong khi bạn cũng chẳng được lợi gì cả. Đây là hành vi chỉ có những kẻ ngốc mới làm.

Nước sâu thì chảy chậm, người khôn thì nói ít: Chỉ có kẻ ngốc mới dùng miệng làm vũ khí tấn công mọi người - Ảnh 1.

Dù có mạnh mẽ đến mức nào, cứng cỏi ra sao, trái tim vẫn phải nhận những tổn thương do vô tình hay cố ý, để lại những hậu quả không bao giờ mờ.

Nói vốn là khả năng độc đáo phân biệt loài người với loài thú. Thế nhưng một số người lại dùng khả năng này để thốt lên những lời lăng mạ, chửi thề, báng bổ, khiếm nhã và tục tĩu có thể làm tổn thương – đôi khi còn nặng hơn những thương tích về thể chất. Lời vô độ đâm xoi khác nào gươm, nhưng lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay. Cho nên, học ăn, học nói, học gói, học mở, thiếu một thứ cũng không được.

Giao tiếp luôn chú trọng đến chất lượng hơn là số lượng hay hình thức. Người Trung Quốc có câu: "Nếu gầm rú cũng giải quyết được vấn đề thì con lừa sẽ thống trị thế giới." Thỉnh thoảng, chúng ta khó cưỡng lại sự thôi thúc công kích một người nào. Khi bị đối xử bất công, ta sẽ cảm thấy có lý do để phạt người xúc phạm đến mình bằng những lời ác nghiệt, gay gắt ở trước mặt hoặc sau lưng người ấy. Thế nhưng, người xưa đã dạy "Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu; Nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan." Vì vậy, dù trong cuộc sống hay ngoài xã hội, chúng ta luôn phải kiểm soát cảm xúc và nói năng nhẹ nhàng. Đây là cách xây dựng ấn tượng đầu tiên tốt đẹp trong mắt người khác.

Nước sâu thì chảy chậm, người khôn thì nói ít: Chỉ có kẻ ngốc mới dùng miệng làm vũ khí tấn công mọi người - Ảnh 2.

Lời nói của con người luôn có hai mặt: Một xoa dịu động viên an ủi những trái tim đang tổn thương. Một như mũi tên tẩm độc phi thẳng đến nơi mà nó muốn đến.

Cho dù ngoại hình không đặc biệt, một số người vẫn tạo thiện cảm từ cái nhìn đầu tiên nhờ khả năng ăn nói tốt của mình. Ngược lại, với những người hễ nói chuyện là tỏ ra khó chịu, thích phàn nàn, giọng điệu mỉa mai châm biếm người khác,… họ chỉ để lại ấn tượng rất xấu trong lòng mọi người xung quanh cho dù xinh đẹp giỏi giang bao nhiêu. Việc tìm cách trả thù người khác bằng hành động hay lời nói cũng chỉ khiến bạn thêm tức giận, lãng phí thời gian và hủy hoại bản thân. Hãy sử dụng thời gian đó làm những điều có ích và có lợi hơn cho bản thân mình.

Muốn học được cách ăn nói khôn ngoan, chúng ta phải biết cách kiểm soát cảm xúc của mình. Chỉ có chính bạn mới có thể thay đổi tâm trạng, từ đó thay đổi cách giao tiếp và thay đổi cả vận mệnh của bản thân. Khi bạn "quản lý" được những gì mình nói, đó cũng là lúc bạn biết cách tôn trọng người đối diện. Thay vì công kích, hãy dùng lời nói của mình giúp đối phương hạnh phúc và vui vẻ, bạn sẽ thu hoạch nhiều điều có lợi hơn cả.

Nước sâu thì chảy chậm, người khôn thì nói ít: Chỉ có kẻ ngốc mới dùng miệng làm vũ khí tấn công mọi người - Ảnh 3.

Sự quan tâm và lòng chân thành tôn trọng đối với người xung quanh sẽ thúc đẩy chúng ta luôn luôn dùng những lời tốt đẹp.

Khi bạn định phàn nàn điều gì đó, hãy thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Khi bạn ghen tị với người khác, hãy nhìn những người còn thua kém xung quanh. Khi bạn thấy tức giận, hãy đặt mình vào vị trí của đối phương suy nghĩ. Từ một góc độ khác, bạn sẽ thấy cả thế giới thay đổi khác hẳn. Học cách rũ bỏ và vượt qua những suy nghĩ tiêu cực của chính mình mới là cách kiểm soát cảm xúc lâu dài nhất, giúp chúng ta tránh khỏi sai lầm trầm trọng trong giao tiếp và quan hệ xã hội.

Phương Thúy.

Đăng bởi

[Quy tắc đầu tư vàng] Phil Town – Trở thành nhà đầu tư triệu phú chỉ dựa vào một “chữ cái thần kì”

http://cafefcdn.com/zoom/650_413/2019/1/27/photo-1-1548552737541573230873-crop-1548552751978433688667.jpg

Dưới góc nhìn của ông, cơ hội đầu tư luôn đi kèm với rủi ro, rủi ro càng lớn cũng đồng nghĩa là những thách thức đang dần tăng lên, chỉ khi kẻ chinh phục có quá ít kinh nghiệm và năng lực, thì rủi ro mới biến thành thảm họa…

Tháng 3/2016, Investopedia đã thực hiện một bài viết về chân dung của Phil Town- ông được mệnh danh là nhà đầu tư thành công và "tay ngang" trong thời kỳ trước khi áp dụng thành công nguyên tắc từ các vĩ nhân đầu tư nổi tiếng và xây dựng được một phong cách đầu tư cho riêng mình. Câu chuyện này được đặt tựa đề là "Chân dung một nhà đầu tư thành công với bộ tiêu chí 4 chữ M".

Phil Town sinh năm 1948 tại Portland, Oregon. Thời trẻ do gia đình khó khăn, con đường học tập của ông không được thuận lợi như các bạn bằng tuổi. Trong một lần tuyển nghĩa vụ quân sự, ông đã đăng kí đi phục vụ quân sự trong thời hạn 4 năm trong cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Trong một lần phỏng vấn với báo chí, ông đã kể lại quãng thời gian khó khăn sau khi trở về từ cuộc chiến khốc liệt. Sau khi đi lính về, Phil Town đã chọn công việc chỉ là một hướng dẫn viên du lịch trên sông, sở hữu tấm bằng tốt nghiệp trung học loại trung bình và phải thi đến bốn lần mới đỗ vào Trường Đại học California, chuyên ngành triết học. Thậm chí khi đã tốt nghiệp đại học và ra trường tới 6 năm, ông vẫn chưa định hướng được công việc phù hợp với bản thân.

Việc biết tới thị trường chứng khoán tình cờ tới với Phil Town chỉ sau một lần ông liều cả mạng sống của bản thân để cứu một vị khách du lịch gặp nạn khi chèo thác cao. Cảm động trước sự quả cảm của ông, vị khách lạ mặt – cũng chính là một trong những nhà đầu tư nổi tiếng thời bấy giờ đã tình nguyện hướng dẫn ông những bước đi chập chững đầu tiên trên con đường tới với công cuộc đầu tư.

Sau này, trong mọi cuộc phỏng vấn Phil Town vẫn luôn nhắc tới vị ân nhân này với câu nói khắc cốt ghi tâm: "Cậu có biết không Phil Town, tôi có thể cho cậu một con cá. Nhưng tôi đã không chọn lựa vậy, tôi sẽ dạy cậu những kiến thức xứng đáng hơn ngàn lần khoản tiền thưởng tôi có thể tặng cậu!"

Thật may mắn cho Phil Town, nhà đầu tư này đã dạy ông cách suy nghĩ như những huyền thoại trong đầu tư như ngài Graham và Buffett. Và với chỉ một quy tắc đầu tư duy nhất, "Quy tắc số 1: đừng để mất tiền" – quy tắc đầu tư của tỉ phú Warren Buffett, trong vòng năm năm (1980-1985),

Dưới góc nhìn của ông, cơ hội đầu tư luôn đi kèm với rủi ro, rủi ro càng lớn cũng đồng nghĩa là những thách thức đang dần tăng lên, chỉ khi kẻ chinh phục có quá ít kinh nghiệm và năng lực, thì rủi ro mới biến thành thảm họa.

[Quy tắc đầu tư vàng]  Phil Town – Trở thành nhà đầu tư triệu phú chỉ dựa vào một chữ cái thần kì - Ảnh 1.

Phil Town cũng như Warrant Buffet đều nhấn mạnh đến sức mạnh của lãi kép – số tiền lãi thu từ việc đầu tư ban đầu tiếp tục được đem đi đầu tư để sinh lãi. Theo nguyên bản gốc của sách Rule 1#, nguyên tắc của Phil Town là lấy 15% là lợi suất trung bình ông đạt được.

Cùng quan điểm với Buffet, Phil Town đã kết hợp với sức mạnh của lãi suất kép và nghĩ ra nguyên tắc 4M để lựa chọn những cổ phiếu đại diện cho doanh nghiệp đáng để đầu tư. Bộ tiêu chí bao gồm bốn chữ M mà ông vẫn nhấn mạnh tới các nhà đầu tư chính là: Meaning (Ý nghĩa), Moat (Lợi thế cạnh tranh), Management (Nhà quản lý) và Margin-of-Safety (Biên an toàn).

Bộ tiêu chí 4M để lựa chọn cổ phiếu tuyệt vời:

Để mua một cổ phiếu, theo nguyên tắc của ông, nhà đầu tư cần trả lời 4 câu hỏi sau theo thứ tự:

1. Meaning (Ý nghĩa): Liệu hoạt động kinh doanh của công ty đó có ý nghĩa với bạn? Ngành nghề của doanh nghiệp đó có ý nghĩa đối với bạn?

2. Moat (Lợi thế cạnh tranh): Liệu công ty đó có lợi thế cạnh tranh tốt?

3. Management (Nhà quản lý): Liệu công ty đó có ban điều hành tài giỏi và trung thực?

4. Margin of safety (Biên an toàn): Liệu giá cổ phiếu bạn mua vào có tạo biên an toàn tốt so với giá trị thực của doanh nghiệp?

Cụ thể hơn các yếu tố nằm trong 4 chữ M này được ông lí giải như sau:

Meaning: Hai câu hỏi đầu tiên mà mỗi nhà đầu tư cần phải đặt ra cho chính bản thân mỗi khi mua một cổ phiếu là:

1.Chúng ta có thực sự hiểu được doanh nghiệp đó như nó là một phần cuộc sống của bản thân ?

2.Hai là chúng ta có sẵn sàng nắm giữ doanh nghiệp như là chủ nhân của nó hay không ?

Bên cạnh đó, ông cũng khuyên các NĐT cá nhân nên đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực mà bản thân có thể hiểu hoặc học hỏi được. Như vậy mục tiêu trước mắt có thể ưu tiện về những công ty thuộc mảng mà mình đang làm việc trong mảng đó. Kiến thức chuyên môn về một ngành nghề chúng ta đang làm là một nhân tố quan trọng giúp bạn thành công khi đánh giá một doanh nghiệp của lĩnh vực đó. NĐT cũng có thể chọn những công ty mà sản phẩm của doanh nghiệp đó được mình sử dụng thường xuyên, hiểu rõ và ưa thích. Hoặc chọn mảng mà NĐT tràn đầy hứng thú tìm hiểu thực sự.

Moat: Liệu doanh nghiệp đó có lợi thế cạnh tranh tốt – tức là khả năng để doanh nghiệp bảo vệ bản thân trước sự cạnh tranh của thị trường. Nếu bạn biết được điều này thì luôn phải theo dõi và đặt câu hỏi khi nào doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh này.

Management: Ban điều hành của công ty có năng lực thế nào? Liệu họ có sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mà làm hại đến các cổ đông. Một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận tăng trưởng, không vay nợ nhiều vẫn có thể là một công ty kém nếu ban lãnh đạo tư lợi cá nhân hoặc làm giả các số liệu trên báo cáo tài chính. Và bản thân việc đánh giá con người không hề dễ dàng, đặc biệt với độ minh bạch của những thị trường cận biên và mới nổi còn hạn chế

Margin of safety: Biên độ an toàn (Margin of Safety) là nguyên tắc tối thượng trong đầu tư giá trị, giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự bền vững trong bất cứ quyết định nào của nhà đầu tư. Biên an toàn được định nghĩa dễ hiểu nhất chính là sự chênh lệch giữa giá cổ phiếu bạn mua được với giá trị thực của doanh nghiệp.

Khi NĐT càng mua được giá thấp hơn so với giá trị thực của doanh nghiệp thì biên an toàn càng lớn. Nói cách khác là NĐT sẽ có khả năng mua cổ phiếu đó với giá đủ rẻ để không chịu một khoản lỗ nào, ngay cả sai khi đưa ra quyết định mua cổ phiếu này. Chiến lược của Phil Town là chờ đợi đến khi giá cả của doanh nghiệp tuyệt vời đó thấp hơn từ 25%-50% so với giá trị thực, ông sẽ bắt đầu mua tích trữ một cách tự tin. Giá càng điều chỉnh, ông lại càng hăng hái mua thêm.

Tất nhiên, việc thực hành các triết lý đầu tư là không hề đơn giản. Ngoài hiểu biết toàn diện về đánh giá doanh nghiệp, Phil Town chia sẻ nhà đầu tư cần có bản lĩnh vững vàng để giữ tâm trí mình độc lập trước hành động của đám đông. Đồng thời cũng cần tỉnh táo khi xem xét diễn biến của thị trường để vừa nắm bắt được tâm lý đại đa số đám đông, vừa kiểm soát được lý trí và kỉ luật của bản thân để sẵn sàng trước một phi vụ đang tới.

Theo ttvn.vn/print/quy-tac-dau-tu-vang-phil-town-tro-thanh-nha-dau-tu-trieu-phu-chi-dua-vao-mot-chu-cai-than-ki-4201927183651703.htm

Đăng bởi

Bị mỏi mắt là bệnh gì?

Bị mỏi mắt là bệnh gì?

Bị mỏi mắt là bệnh gì hay chỉ là một hiện tượng bình thường khi mắt phải làm việc lâu?

1. Bị mỏi mắt là bệnh gì?

Mỏi mắt là có thể là một tình trạng riêng cũng có thể là triệu chứng của một chứng bệnh khác. Mỏi mắt gây giảm thị lực nhất thời, mắt đỏ, chảy nước mắt và mí mắt nặng trĩu. Thông thường, mỏi mắt sẽ biến mất khi mắt trở lại được trạng thái cân bằng.

Tuy nhiên, các triệu chứng mỏi mắt cũng có thể là biểu hiện của những bệnh khác. Mắt đỏ có thể do đã nhiễm khuẩn hay nhiễm virus, mí mắt trĩu xuống có thể liên quan đến bệnh thận và tim. Nếu các triệu chứng mỏi mắt không hết sau khi đã nghỉ ngơi vài giờ hoặc vài ngày thì bạn nên đi khám để biết được chính xác nguyên nhân bị mỏi mắt là bệnh gì.

Nhức mỏi mắt có thể có nguyên nhân là do ánh sáng không đủ. Khi phải nhìn trong môi trường thiếu sáng, mắt sẽ không thể điều tiết thường xuyên được. Thiếu ngủ cũng có thể gây mỏi mắt, chảy nước mắt, mí mắt nặng và nhìn mọi vật đều thấy mơ hồ.

Các yếu tố về dinh dưỡng như thiếu chất, thiếu vitamin và các vi chất khác, đặc biệt là vitamin A, B, C đều có thể gây mỏi mắt. Lối sống thường xuyên căng thẳng, sử dụng nhiều đồ uống có cồn, thuốc lá và cà phê cũng có thể dẫn đến nhức mỏi mắt.

Bị mỏi mắt là bệnh gì? - Ảnh 1.

Bị mỏi mắt là bệnh gì? (Ảnh: Internet)

2. Ngăn ngừa nhức mỏi mắt

Sau khi đã tìm hiểu bị mỏi mắt là bệnh gì thì cũng không khó rút ra được cách phòng ngừa nhức mỏi mắt. Những điều này áp dụng với cả bị mỏi mắt đơn thuần và cả khi bị mỏi mắt là bệnh gì khác.

– Nên làm việc ở nơi đủ ánh sáng, tốt nhất là ở nơi có ánh sáng tự nhiên như cạnh cửa sổ. Không nên làm việc và sinh hoạt trong không gian quá sáng hoặc quá tối.

– Khi sử dụng các thiết bị điện tử nên chỉnh độ sáng màn hình vừa phải, duy trì tầm nhìn hợp lí, chỉnh cỡ chữ vừa nhìn và không sử dụng trong môi trường thừa hoặc thiếu sáng.

– Sử dụng các loại mặt nạ tự nhiên cho mắt, nhất là khi mỏi mắt. Có thể dùng một lát dưa leo hay túi bã trà, bã cà phê ủ lạnh để đắp lên mắt thư giãn trong khoảng 10 phút.

– Thực hiện các bài tập và bài massage nhẹ nhàng cho mắt: Nhắm mắt và lấy ngón tay xoa nhẹ nhàng trên mắt, nhắm mắt và để con ngươi tự nhiên di chuyển…

Bị mỏi mắt là bệnh gì? - Ảnh 2.

Có thể thực hiện một số bài massage nhẹ nhàng để giảm mỏi mắt (Ảnh: internet)

– Bổ sung vitamin trong chế độ dinh dưỡng qua thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng. Các loại rau củ và hoa quả chứa nhiều vitamin các nhóm A, B, C nên có mặt trong khẩu phần ăn hàng ngày.

– Hạn chế uống rượu bia; bỏ thuốc lá; ngủ đủ giấc; luyện tập thể thao điều độ.

Đăng bởi

Ung thư phổi nguy hiểm thế nào

Ung thư phổi giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, đa số bệnh nhân phát hiện khi đã muộn, hơn 90% tử vong sau một năm phát hiện bệnh.

Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Trong vài thập kỷ trở lại đây, cứ 5 người chết vì ung thư thì có một người mắc ung thư phổi. 

Giáo sư Rafael Molina, Chủ tịch Hội Ung thư và Dấu ấn Sinh học quốc tế cho biết, hiện có khoảng 1,8 triệu người trên thế giới mắc mới ung thư phổi mỗi năm. Trong đó 1,6 triệu người tử vong, tương đương mỗi phút trôi qua có 3 người chết vì căn bệnh này. 

Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp thứ hai trong 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới. Đây là loại ung thư ác tính nhất, dễ di căn, lan từ phổi đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Hà Nội, ung thư phổi ở giai đoạn đầu có những triệu chứng rất nghèo nàn, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý về đường hô hấp khác. Đa phần bệnh nhân được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn và hơn 90% tử vong sau một năm kể từ khi phát hiện bệnh.

Giáo sư Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi bao gồm: không khí ô nhiễm, hút thuốc lá, uống rượu bia, tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Tuy nhiên, khoảng 90% bệnh nhân mắc bệnh là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài.

"Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá mỗi ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút", bác sĩ cho biết.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng tạo qua đời ngày 7/1 ở tuổi 72 do mắc ung thư phổi. 

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua đời ngày 7/1 ở tuổi 72 do ung thư phổi. 

Theo ông Khoa, điều trị ung thư phổi ở giai đoạn sớm có thể phẫu thuật. Ở những giai đoạn bệnh muộn hơn, khi tình trạng ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở ngực, điều trị thường sẽ bao gồm hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, điểm yếu của hóa xạ trị là thời gian sống của bệnh nhân ngắn, chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề vì phải chịu nhiều tác dụng phụ, người bệnh mệt mỏi, mất niềm tin và không tích cực phối hợp điều trị.

Bác sĩ khuyến cáo những người có nguy cơ bị ung thư phổi nên tầm soát sớm kể cả khi chưa có triệu chứng. Người có nguy cơ trung bình là từ 50 tuổi trở lên, không hút thuốc hoặc hút thuốc ít, từng hút thuốc nhiều nhưng đã ngưng trên 15 năm. Nguy cơ cao là người từ 50 tuổi, hút thuốc 30 gói mỗi năm, một gói mỗi ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm.

Hướng dẫn của Bộ Y tế Nhật Bản, người có nguy cơ cao nên chụp CT ngực mỗi năm. Người có nguy cơ trung bình nên chụp CT ngực hai năm liên tiếp và mỗi 3-5 năm. Hướng dẫn của Bộ Y tế Mỹ, tầm soát ở tuổi 55-74 bằng chụp CT ngực mỗi năm. Nếu có bất thường, bệnh nhân phải chụp CT ngực, soi phế quản, sinh thiết xuyên thành ngực, mổ ngực…

Để phòng ngừa ung thư phổi, các bác sĩ khuyên nên bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, tăng cường chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả. Đây là những thực phẩm không chỉ có thể phòng bệnh mà còn rất tốt cho bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch vành.

Đặc biệt, tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng. Công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả.

Thúy Quỳnh

Nguồn vnexpress.net/suc-khoe/ung-thu-phoi-nguy-hiem-the-nao-3865017.html

Đăng bởi

7 nguy cơ dẫn tới các bệnh về mắt

7 nguy cơ dẫn tới các bệnh về mắt

Các bệnh về mắt có thể xảy tới từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nhiều nguyên nhân chủ quan mà chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu và loại bỏ.

Cũng như sức khỏe tổng thể của cơ thể, sức khỏe của đôi mắt cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống, thói quen ăn uống và văn hóa làm việc. Mới đây, trang Medic Magic đã liệt kê một số nguy cơ gây ra các bệnh về mắt mà nhiều người thường không để ý.

1. Mắt hoạt động quá sức

Ảnh 1.

Mắt hoạt động quá sức là 1 nguy cơ dẫn đến các bệnh về mắt (Nguồn: Internet)

Đôi mắt phải chịu quá nhiều sức ép mà không phải ai cũng biết. Việc thường xuyên làm việc trước máy tính, chơi trò chơi, xem tivi, đọc sách báo khiến mắt lại gặp thêm nhiều áp lực hơn. Điều này khiến mắt mệt mỏi, khiến các bệnh về mắt xuất hiện.

2. Hút thuốc

Ảnh 2.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Không chỉ sức khỏe cơ thể nói chung, hút thuốc còn gây ra các bệnh về mắt nói riêng. Các hóa chất trong thuốc lá có nguy cơ làm hỏng các bộ phận nhay cảm của võng mạc (thường được gọi là điểm vàng).

3. Bệnh tiểu đường

Ảnh 3.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Bệnh tiểu đường có thể dẫn tới khả năng xuất hiện một số bệnh về mắt như võng mạc do đái tháo đường hay tăng nhãn áp. Vì thế, võng mạc có khả năng bị phá hủy nghiêm trọng.

4. Huyết áp cao

Ảnh 4.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Huyết áp cao không được điều trị sẽ tác động rất xấu tới mắt. Nó khiến các mạch máu ở võng mạc, các khu vực phía sau mắt bị tổn thương nghiêm trọng. Bệnh về mắt này còn được gọi là bệnh võng mạc cao huyết áp, xảy ra khi huyết áp làm thay đổi bệnh lý ở võng mạc.

 5. Rượu

Ảnh 5.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Sử dụng rượu quá nồng độ cho phép có thể khiến bạn mắc các bệnh về mắt. Rượu làm giảm tầm nhìn và sức khỏe tổng thể của mắt. Người rơi vào tình trạng này sẽ cảm thấy giảm thị giác, đau nửa đầu thường xuyên, mắt phản ứng chậm, sự nhảy cảm tương phản giảm và mắt đỏ.

6. Chế độ ăn không lành mạnh

Ảnh 6.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể nhận đủ dưỡng chất cần thiết, hạn chế việc bạn bị mắc các bệnh về mắt. Sự thiếu hụt vitamin B12 khiến bạn có mắc chứng nhìn mờ hoặc nhìn đôi. Còn không đủ vitamin A khiến bạn khó khăn khi quan ban đêm, khô mắt hoặc thậm chí bị mù.

7. Tia cực tím

Ảnh 7.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Tia cực tím có thể tiếp xúc với bạn bất cứ khi nào bạn bước ra ngoài đường. Những tia này có thể đốt cháy giác mạc, làm hỏng võng mạc và các ống kính mắt. Bên cạnh đó, tia cực tím cũng khiến nguy cơ đục thủy tinh thể tăng cao. Vậy nên, mỗi khi ra ngoài, bạn cần trang bị cho mình một chiếc kính râm đạt chất lượng để bảo vệ đôi mắt khỏe đẹp.

Tổng hợp

Đăng bởi

Ba mẹ làm gì để giúp con không bị cận thị?

Ba mẹ làm gì để giúp con không bị cận thị?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các trẻ bị cận thị ngày một nhiều. Vậy làm thế nào để các bậc cha mẹ giúp con tránh không mắc cận thị ngay từ sớm, hay tránh những nguyên nhân làm ảnh hưởng trực tiếp tới đôi mắt của trẻ?

1. Mắt thế nào được coi là cận thị?

Bình thường ảnh của sự vật đi qua các hệ thống quang học của mắt rồi được hội tụ đúng trên võng mạc, giúp mắt nhìn rõ cảnh vật. 

Do sự bất thường của hệ thống khúc xạ, hình ảnh của vật không được hội tụ nằm trên võng mạc mà bị hội tụ nằm trước võng mạc dẫn đến nhìn mờ. Về cơ chế bệnh sinh, y học chia cận thị làm 2 loại là cận thị khúc xạ và cận thị trục.

Cận thị khúc xạ:  Tức là hiện tượng cận thị xảy ra do lực khúc xạ của mắt quá lớn (do lực khúc xạ của giác mạc hoặc thể thủy tinh quy định) trong khi chiều dài trục nhãn cầu bình thường. Loại này hay gặp trong cận thị học đường. Khi mắt phải nhìn gần với cường độ lớn và trong một thời gian dài, thể thủy tinh bị phồng lên làm tăng độ hội tụ của mắt. 

Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Lúc này muốn nhìn rõ, bạn phải đưa hình ảnh của vật lại gần mắt. Những sự vật ở xa, mắt nhìn không rõ, tùy theo mức độ bị cận. Cận thị học đường xuất hiện ở những người trong lứa tuổi đi học, bị cận càng sớm thì khả năng tiến triển càng nhanh và nặng. Bệnh ít khi quá 6 đi ốp và thường không kèm theo giãn mỏng võng mạc cũng như các nguy cơ khác của đáy mắt.

Cận thị trục: Là hiện tượng cận thị xảy ra do trục nhãn cầu quá dài, trong khi lực khúc xạ của mắt bình thường. Trục nhãn cầu dài ra là do cấu trúc của thành nhãn cầu bị dãn mỏng. Loại cận thị này thường có tính chất gia đình và thường xảy ra rất sớm, ngay khi trẻ còn nhỏ tuổi, chưa đi học. Loại cận thị tiến triển rất nhanh, làm thị lực giảm sút nhiều, đồng thời làm võng mạc bị dãn mỏng dễ dẫn tới nguy cơ thoái hóa hắc võng mạc, rách võng mạc, thậm chí gây bong võng mạc dẫn tới mù lòa.

2. Vì sao con bạn bị cận thị?

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến cận thị:

Đầu tiên là từ di truyền học. Thứ hai là do thói quen xấu hàng ngày. Như chúng ta đã biết, hiện nay, nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân chính dẫn đến cận thị ở trẻ em và ngay cả người lớn. Nó rất cần thiết để các bậc cha mẹ cần biết làm thế nào để ngăn ngừa cận thị ở trẻ em, do đó, họ nên xem xét một số lý do phổ biến nhất cho tình trạng này:

– Trẻ em thiếu ngủ hoặc ngủ không thường xuyên: đặc biệt là khoảng thời gian từ 7-9 tuổi và 12-14 tuổi, rất dễ bị cận thị. Nếu trẻ ngủ không thường xuyên hoặc không đủ thời gian để ngủ vì học quá khó, sau rất dễ gây ra cận thị.

– Trẻ em sinh ra với cân nặng quá nhẹ: hầu hết trẻ sinh ra với trọng lượng cơ thể dưới 2,5 kg sẽ có khả năng cận thị cao khi đến tuổi vị thành niên.

Ảnh 3.

Ảnh: Internet

– Trẻ em xem tivi quá gần: Nếu một đứa trẻ xem tivi nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày với khoảng cách giữa mắt và màn hình ngắn hơn 3 mét so với đôi mắt sẽ bị suy yếu dần.

Ngoài ra, ngồi ở một tư thế sai hoặc học tập và làm việc trong một môi trường thiếu ánh sáng cũng là những nguyên nhân chính của cận thị ở trẻ em.

3. Để trẻ không cận thị ba mẹ nên làm gì ? 

Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần đảm bảo trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ mỗi giờ phải nghỉ 10-15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.

Nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần của sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm. 

Tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 cm với cấp tiểu học, 30 cm với cấp trung học cơ sở và 35 cm với học sinh trung học phổ thông. Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen hoặc giấy quá trắng, quá bóng.

Bên cạnh đó, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ 8-10 tiếng một ngày; ăn nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Trẻ cần được đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều..

Cuối cùng về cách ngăn ngừa cận thị ở trẻ em là đeo kính râm vì nó có thể giúp chống lại các bước sóng để có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ bị đục thủy tinh thể hoặc các điểm đen võng mạc. 

Tốt nhất, bạn nên ép buộc con của bạn để sử dụng kính mát thường xuyên bất cứ khi nào đi ra ngoài đường, đặc biệt là ở những khu vực có ánh sáng chói cường độ cao (gần mặt nước hoặc tuyết), và nhớ rằng kính mặt trời không nên sử dụng trong mùa hè. Bạn nên chọn kính tốt cho con của bạn vì đôi mắt của con rất nhạy cảm.

Kính được làm bằng vật liệu đặc biệt và 100% bảo vệ chống lại ánh nắng mặt trời. Theo các chuyên gia, những con sóng màu xanh và màu tím có hại cho võng mạc của mắt. Amber, vàng-cam, và kính đeo mắt nâu là đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn những con sóng màu tím và màu xanh.

Tuệ Nghi

Đăng bởi

Vượt phải – lỗi nhiều tài xế Việt đang hiểu sai

Đăng bởi

6 cách giúp bạn phòng ngừa ung thư phổi

Bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh, sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động… để phòng ngừa bệnh ung thư phổi.

Mỗi năm thế giới có khoảng 1,8 triệu người mắc mới ung thư phổi, 1,6 triệu người tử vong. Việt Nam hàng năm phát hiện 22.000 ca ung thư phổi, 19.500 bệnh nhân tử vong do bệnh này. Dự báo số người mắc bệnh ngày càng tăng.

Để phòng tránh ung thư phổi, bạn cần hạn chế các tác nhân gây bệnh và thay đổi lối sống.

Bỏ thuốc lá

Khi hít khói thuốc, không khí vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng rồi qua khí quản để vào phổi. Người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút. Khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc làm giảm khả năng bài tiết đờm, làm chất nhầy nhiễm các chất độc hại, tồn lưu nhiều trong phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.

Ảnh: Express.co.uk

Ảnh: Express.co.uk

Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tùy theo loại tế bào ung thư. Ngoài ra, người hút thuốc còn tăng nguy cơ nhiễm virus, nhiễm khuẩn lao phổi, mắc phổi mạn tính.

Sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động

Những người làm công việc có tính chất nguy hiểm như hầm mỏ, than đá, xăng dầu, phẩm nhuộm, phun sơn, công nghiệp nhựa, kỹ nghệ kim loại nặng… cần có đồ bảo hộ chuyên dụng gồm kính, găng tay, áo quần. Ô nhiễm từ môi trường, nước thải sinh hoạt, khói bụi xe cộ hàng ngày đều có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Loại bỏ hoàn toàn tấm lợp amiăng (fibro xi măng)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về mối liên hệ giữa amiăng với bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, ung thư buồng trứng, ung thư biểu mô. Khi bạn hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường, bụi độc vào cơ thể và gây hại sau thời gian tiếp xúc rất lâu, từ 20-30 năm. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù mức độ tiếp xúc thấp. WHO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng tất cả các loại amiăng.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Hạn chế đồ ăn thức uống chế biến sẵn do chứa nhiều muối, chất bảo quản, đường công nghiệp, bột tinh luyện, phẩm màu… Những thực phẩm chế biến sẵn cũng thiếu chất dinh dưỡng cơ bản như chất xơ, các vitamin, enzim tiêu hóa và cả tinh bột thô.

Thường xuyên ăn rau quả tươi, cháo, cơm, sữa chua… rất tốt cho sức khỏe. Với các loại thịt, hãy luộc, hấp, thay vì chế biến nướng, quay, rán, xào.

Đặc biệt, hạn chế dùng túi nhựa, chai nhựa, hộp nhựa để đựng thức ăn. Các nhà nghiên cứu về độc tố trong môi trường tại trường đại học Amsterdam, Hà Lan, cho biết hạt nhựa cực nhỏ (Microplastics) có thể khiến cơ thể nhiễm độc tố, đột biến gen di truyền, làm chết các tế bào trong cơ thể. Vì vậy, sử dụng túi vải, túi giấy thay thế túi nilon khi đi chợ, dùng hộp đựng thức ăn bằng sứ, thủy tinh, inox thay vì hộp nhựa.

Vận động thường xuyên

Khi cơ thể khỏe mạnh, thông khí phổi tốt, khả năng miễn dịch sẽ tăng, lúc đó các tế bào lạ cũng ít có cơ hội phát triển thành khối u. Chạy bộ, đạp xe đạp, bơi, yoga, thiền, gym… được nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên bạn tập thường xuyên.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phòng và phát hiện bệnh sớm. Bạn cảm thấy khỏe mạnh, chưa có các triệu chứng bệnh song thực tế nhiều bệnh đã có thể đang âm thầm phát triển. Đặc biệt, với bệnh ung thư, khám sức khỏe định kỳ cần thiết để phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả. Hơn 70% bệnh nhân ung thư tới bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị khó khăn và tốn kém.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh
Bệnh viện Việt Đức Hà Nội

Nguồn vnexpress.net/suc-khoe/print/6-cach-giup-ban-phong-ngua-ung-thu-phoi-3841151.html