Đăng bởi

Giảm thị lực vì kính áp tròng

(Dân trí) – Đeo kính áp tròng thời trang, bạn trẻ có thể thay đổi màu mắt theo ý thích. Thế nhưng bên cạnh đó, người đeo kính áp tròng cũng phải chấp nhận nguy cơ rủi ro.

Khổ vì thời trang

 

Sở hữu một đôi mắt to đen láy, nhưng cô sinh viên năm thứ 2 ĐH Văn hóa Hà Nội N.T.K vẫn không vừa ý vì cho rằng màu mắt đen không hợp với dáng người cao 1m65, lại càng không hợp với cái mũi cao, làn da trắng rất tây của mình. K quyết định “thửa” cho mình một cặp kính áp tròng màu nâu hạt dẻ. Đeo kính áp tròng chưa đầy 1 tuần, K đã luôn bị chảy nước mắt, đỏ mắt, giảm thị lực. Kết quả khám mắt cho thấy K bị viêm giác mạc do dùng kính áp tròng và nguyên nhân chính là do nhiễm khuẩn qua những lần tháo rửa kính không đúng cách của mình. 

 

Theo BS Trần Thế Hưng, Bệnh viện mắt Sài Gòn, Hà Nội, bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị tổn thương mắt do sử dụng kính áp tròng (kể cả kính áp tròng có số và không số). Trong quá trình đeo và tháo lắp kính thường xuyên, chỉ cần vô ý có thể làm trầy xước mắt, hoặc cũng có thể bị nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn, vi rút từ dung dịch rửa kính.

 

BS Hưng cho hay, kính áp tròng cận thị thích hợp và tiện dụng với người chơi thể thao, làm việc văn phòng hoặc trong môi trường ít bụi. Tuy nhiên, khi đeo kính áp tròng phải hiểu biết cách bảo quản kính và bảo vệ mắt. Trên thực tế, số người lựa chọn kính áp tròng cận thị để điều chỉnh tật khúc xạ ở mắt không nhiều, mà chủ yếu là các bạn trẻ thích chạy theo thời trang, dùng kính không số có mầu sắc đa dạng (mầu nâu, xanh, lục, mầu khói…) để đổi màu cho mắt mà không lường trước được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

 

Lưu ý khi dùng kính áp tròng

 

– Tốt nhất, chỉ khi có đôi mắt khoẻ mạnh, không bị kích ứng với kính áp tròng và được sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ mới nên dùng kính áp tròng.

 

– Không nên lạm dụng như một thứ hàng thời trang sẽ gây hại cho mắt.

 

– Kính áp tròng không được đeo quá thời gian chỉ định.

 

– Khám định kỳ để phát hiện kịp thời những vi chấn thương ở mắt.

 

– Chỉ sử dụng khi thật cần thiết và nên xen kẽ giữa kính áp tròng và kính gọng để đôi mắt được nghỉ ngơi, đủ dinh dưỡng.

Vì khi đeo kính áp tròng lâu có thể gây vi sang chấn, tức là chấn thương nhỏ, nhìn bình thường không thể thấy được. Biểu hiện thường là khó chịu, cộm ở mắt. Những vết xước không được điều trị ngay có thể thành sẹo, nếu để  lâu có thể gây viêm loét giác mạc, làm giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù loà. Ngoài ra, người đeo kính áp tròng còn có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, vi nấm, virus, ký sinh trùng từ dung dịch rửa kính.

 

“Đáng nói là nhiều người tự ý dùng kính áp tròng, còn các cửa hàng thì “vô tư” bán cho khách mà không cần biết người đeo kính có một đôi mắt khoẻ hay không. Vì chỉ có thể đeo kính áp tròng khi mắt hoàn toàn khỏe mạnh, không bị viêm nhiễm, không bị khô mắt. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ người Việt Nam bị bụi, sạn vôi mắt hột, viêm giác mạc… khá cao. Khi đó, nếu đeo kính áp tròng, nguy cơ bị tổn thương mắt, nhiễm khuẩn… dẫn đến giảm thị lực là khó tránh khỏi”, BS Hưng cảnh báo.

 

Chỉ dùng khi có chỉ định

 

Mặc dù kính áp tròng mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng kính áp tròng không được khuyến cáo sử dụng, nhất là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm và môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi của nước ta. “Các bác sĩ thường không khuyến cáo dùng, càng hạn chế dùng càng tốt. Vì tỷ lệ người dùng có thể khiến mắt khô, đỏ, cảm giác vướng, viêm loét, nhiễm khuẩn là rất cao”, BS Hưng nói. 

 

Nếu sử dụng kính áp tròng quá 3 năm có thể gây tổn thương ở mắt, khiến mắt dễ viêm nhiễm. Một số bệnh thường gặp do đeo kính áp tròng như viêm biểu mô giác mạc, nhiễm ký sinh trùng giác mạc, nhiễm các vi sinh vật… Hơn nữa, bản chất kính áp tròng là 1 hợp chất, nó có thể gây dị ứng, kích ứng với từng người, không phải ai cũng có thể đeo được kính áp tròng. Do vậy, trước khi quyết định đeo kính áp tròng phải đi khám mắt cẩn thận và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc do kính áp tròng gây ra.

 

Tại Việt Nam hiện nay phổ biến loại kính áp tròng mềm, có số hoặc không số. Loại kính này không có trao đổi khí nên nếu đeo liên tục sẽ khiến giác mạc không trao đổi được khí, gây mờ mắt, có thể dẫn đến sẹo tròng đen mắt.

 

Mắt cũng sẽ bị nhiễm trùng nếu kính áp tròng không được ngâm rửa, sát trùng trước khi đeo. Ngoài ra, môi trường khói bụi của Việt Nam khiến người đeo kính áp tròng có nguy cơ bị bụi chen vào giữa kính áp tròng và giác mạc, gây trầy xước cho mắt, dẫn đến sẹo giác mạc hoặc viêm giác mạc.

 

Hồng Hải

Link nội dung: http://dantri.com.vn/suc-khoe/giam-thi-luc-vi-kinh-ap-trong-1181104918.htm